04 trường hợp phương tiện được đi thẳng khi đèn đỏ
Theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 23/2008/QH12 thì hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Trong đó, tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
- Tín hiệu xanh là được đi;
- Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy: Về nguyên tắc khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được phép lưu thông khi tín hiệu đèn chuyển sang màu đỏ trong các trường hợp:
(1) Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép phương tiện được lưu thông.
(2) Tại nút giao thông có đèn xanh báo hiệu ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo;
(3) Tại nút giao thông có biển báo hiệu cho phép các xe lưu thông được lắp đặt kèm theo;
(4) Tại nút giao thông có lắp đặt tiểu đảo để phân luồng cho phép các xe lưu thông trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.
Như vậy: Đối với thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì trường hợp tại nút giao thông là ngã ba, trong đó bao gồm hai nhánh của một đường thẳng và một nhánh rẽ. Tại nút giao thông này có đèn đỏ, nên các phương tiện lưu thông tại nút giao thông này phải tuân thủ quy định của pháp luật là dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ, và được phép đi khi tín hiệu đèn chuyển sang màu xanh.
Các phương tiện lưu thông tại nút giao thông này được phép đi thẳng khi có tín hiệu đèn đỏ, nếu thuộc một trong bốn trường hợp trên đây có biển chỉ dẫn, tín hiệu cho phép phương tiện được đi thẳng khi đèn đỏ.
Mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ
Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ quy định của pháp luật khi đèn đỏ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.
- Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật