Kiểm tra và giám sát bảo lãnh chính phủ
Kiểm tra và giám sát bảo lãnh chính phủ được quy định tại Điều 40 Nghị định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, theo đó:
1. Bộ Tài chính có quyền giám sát định kỳ việc thực hiện các nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh:
a) Tiến độ rút vốn theo kế hoạch đã đăng ký;
b) Thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
c) Bố trí vốn chủ sở hữu theo quy định đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư;
d) Thực hiện nghĩa vụ về thế chấp tài sản đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư;
đ) Giám sát việc thực hiện các cam kết bổ sung theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng được bảo lãnh trong trường hợp cụ thể.
2. Trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh có dấu hiệu khó khăn về tài chính, hoặc phát sinh các vi phạm nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh, hoặc có dư nợ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu hoặc dư nợ vay bắt buộc Quỹ Tích lũy thuộc Nhóm 4 hoặc Nhóm 5 theo quy định về phân loại nợ tại Điều 37 Nghị định này, Bộ Tài chính có quyền tiến hành kiểm tra tình hình tài chính của dự án hoặc yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có), cơ quan chủ quản kiểm tra tình hình tài chính của dự án, xác định nguyên nhân và báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý.
3. Người nhận bảo lãnh chia sẻ các thông tin về báo cáo kiểm tra, giám sát (nếu có) trong phạm vi cho phép của mình với người bảo lãnh để phối hợp quản lý rủi ro.
Trên đây là tư vấn về kiểm tra và giám sát bảo lãnh chính phủ. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Nghị định 91/2018/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật