Cơ quan nào có thẩm quyền đề xuất đàm phán điều ước quốc tế?
Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.
Theo đó, thẩm quyền đề xuất đàm phán điều ước quốc tế được quy định tại Điều 8 Luật điều ước quốc tế 2016. Cụ thể là:
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là cơ quan đề xuất), căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu hợp tác quốc tế, đề xuất với Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan, tổ chức có liên quan đề xuất về việc đàm phán điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia.
=> Như vậy, theo quy định này thì căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu hợp tác quốc tế thì thẩm quyền đề xuất đàm phán điều ước quốc tế sẽ thuộc về Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ngoài ram đối với các Điều ước liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia thì thẩm quyền đề xuất sẽ thuộc về Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan, tổ chức có liên quan bạn nhé.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật