05 trường hợp Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước
Theo quy định hiện hành của pháp luật thì: Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 4 Luật điều ước quốc tế 2016 có quy định về những trường hợp Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước bao gồm:
- Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
- Điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Điều ước quốc tế về việc thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực nếu việc thành lập, tham gia, rút khỏi tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ;
- Điều ước quốc tế làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội;
- Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Theo đó, Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây:
- Điều ước quốc tế không thuộc trường hợp trên;
- Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Trên đây là nội dung giải đáp về những trường hợp Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về vấn đề này tại Luật điều ước quốc tế 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật