Công ty trong giai đoạn khó khăn có quyền cho nhân viên nghỉ việc không?
Khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp vì lý do kinh tế theo Khoản 2 Điều 44 Bộ luật này:
Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Lý do kinh tế quy định tại khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, bao gồm hai trường hợp:
a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
b) Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
Như vậy, theo quy định trên nếu vì công ty khó khăn mà muốn cho thôi việc người lao động thì phải rơi vào đủ các điều kiện nêu trên. Trường hợp công ty bạn lấy lý do khó khăn, đóng cửa công ty và đưa mọi người ký vào thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động để đuổi khéo không đền bù hợp đồng là trái quy định.
Trân trọng!