Cấu thành tội phạm của Tội gián điệp
Điều 110 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
"Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này."
Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định cấu thành tội phạm của Tội gián điệp cụ thể như sau:
1. Về mặt khách quan của tội phạm:
- Về hành vi:
+ Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống phá nhà nước;
+ Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài;
+ Hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
+ Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài;
+ Thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống phá Nhà nước;
Trong đó:
+ Hoạt động tình báo: Là hoạt động của cá nhân nhằm điều tra, thu thập các tin tức, tài liệu trong nước để sử dụng nhằm chống phá Nhà nước, chống quá chính quyền nhân dân.
+ Hoạt động gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại: Là hoạt động của cá nhân nhằm lôi kéo, xúi giục các cá nhân khác tham gia hoạt động gián điệp như là các điểm tụ tập, ẩn náu để hoạt động bí mật,... nhằm chống phá Nhà nước, chống phá chính quyền nhân dân.
+ Hoạt động phá hoại: Là hoạt động của cá nhân nhằm phá hủy các điều kiện, cơ sở vật chất của đất nước; gây cản trở cho việc thực hiện, hoàn thành các chính sách kinh tế - xã hội của quốc gia, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc trong quần chúng nhân dân,...
+ Hoạt động thám báo: Là hành động của cá nhân nhằm thu thập các thông tin về an ninh, quốc phòng của quốc gia, để phục vụ cho hoạt động tình báo, phá hoại,... nhằm chống phá Nhà nước, chống puá chính quyền nhân dân.
- Về mặt hậu quả: Phá hoại, chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; làm suy yếu chính quyền nhân dân.
2. Về mặt chủ quan của tội phạm:
- Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp.
Theo đó, theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì cố ý phạm tội trực tiếp là hành vi của người phạm tội, mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
- Mục đích: Nhằm phá hoại, chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm suy yếu chính quyền nhân dân.
3. Mặt khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến an ninh quốc gia, sự vững mạnh của hệ thống chính quyền nhân dân.
4. Về mặt chủ thể của tội phạm:
Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.
Hình phạt đối với người phạm tội gián điệp:
Tùy vào trừng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội gián điệp có thể bị phạt tù từ 05 năm đến đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Đây là hình phạt chính).
Đối với trường hợp người chuẩn bị phạm tội gián điệp thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Đây là hình phạt chính).
Tuy nhiên, trường hợp người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội gián điệp.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật