Bơm tạp chất vào tôm bị xử lý ra sao?

Hàng xóm nhà tôi là cơ sở kinh doanh tôm quy mô nhỏ, gần đây qua quan sát tôi nhận thấy có tình trạng họ cố ý bơm tạp chất vào tôm để làm tăng trọng lượng và “làm đẹp” cho tôm. Tình trạng này không hề có dấu hiệu suy giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, đi kèm là những thủ đoạn tinh vi hơn. Cho hỏi, việc bơm tạp chất vào tôm sẽ bị xử lý thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi, cảm ơn!

Về mặt pháp lý, bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính: Khoản 1a Điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Về xử lý hình sự: Hành vi bơm tạp chất cấm vào tôm là hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, người thực hiện hành vi này hiện nay có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Cụ thể Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

Như vậy, đưa tạp chất vào tôm là một hành vi gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của người khác và gây thiệt hại không nhỏ đến ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Do đó, hành vi này có thể bị xử lý theo các quy định nêu trên. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn có thể tham khảo thêm tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào