Phân chia thặng dư của DN bảo hiểm nhân thọ không đúng quy định bị xử phạt như thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 76 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định:
"2. Vào thời điểm kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ thặng dư của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm có chia lãi để phân chia cho các chủ hợp đồng và chủ sở hữu. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có trách nhiệm bảo đảm tất cả các chủ hợp đồng nhận được không thấp hơn 70% số thặng dư của tổng số lãi thu được hoặc chênh lệch thặng dư giữa số thực tế và giả định về tỉ lệ tử vong, lãi suất đầu tư và chi phí, tùy theo số nào lớn hơn."
Tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định:
"3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không theo quy định của pháp luật;
b) Phân chia thặng dư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không theo quy định của pháp luật.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành, chuyên gia tính toán đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này;
c) Buộc đình chỉ các chức danh đã được doanh nghiệp bảo hiểm bổ nhiệm đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này."
Như vậy, đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vi phạm quy định về phân chia thặng dư trong bảo hiểm nhân thọ sẽ bị phạt từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn áp dụng hình phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định trên.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc