Luật sư không tố giác thân chủ của mình có phạm tội?

Trường hợp luật sư tham gia bào chưa cho bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố xét xử mà biết được bị can, bị cáo có hành vi phạm tội mà không thực hiện tố cáo tội phạm đó của người người đang được mình bào chữa thì luật sư có phạm tội hay không?

Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ, chồng hoặc người bào chữa (ở đây là các luật sư) sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.

Trong đó, Tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 có quy định:

"Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

...

3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn thì tùy trường hợp cụ thể mà người bào chữa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm hoặc không, cụ thể như sau:

Trường hợp (1): Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp người bào chữa biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện thuộc một trong các tội phạm sau đây mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm:

- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII Bộ luật hình sự 2015;

- Các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015.

Theo quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 thì người bào chữa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, nếu bị đưa ra xét xử thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Lưu ý: Trường hợp người bào chữa đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Trường hợp (2): Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp người bào chữa biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm nếu không thuộc Trường hợp (1).

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Luật sư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào