Sửa điểm bài thi có bị đi tù hay không?

Trường hợp người chấm thi hoặc người có liên quan mật thiết đến hoạt động chấm thi (ví dụ như thi trung học phổ thông quốc gia, thi học sinh giỏi,...) mà có hành vi sửa điểm thi (ví dụ như nâng hoặc hạ điểm thi của thí sinh) thì có thể bị phạt tù hay không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trường hợp cá nhân chấm thi hoặc người có liên quan đến hoạt động chấm thi có hành vi sửa điểm thi của thí sinh tham gia các kỳ thi như là kỳ thi thi trung học phổ thông quốc gia, kỳ thi học sinh giỏi,... thì tùy tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp xử lý vi phạm hành chính:

Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sửa điểm thi của thí sinh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Theo đó, Tại Điểm d Khoản 3 Điều 13 Nghị định 138/2013/NĐ-CP có quy định:

"Điều 13. Vi phạm quy định về thi

...

3. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy chế thi theo các mức phạt sau đây:

...

d) Từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định;"

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người nào có hành vi sửa điểm bài thi của thí sinh trái quy định của pháp luật mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Ngoài ra, còn buộc phải khôi phục điểm bài thi của thí sinh ban đầu trước khi bị sử đổi.

2. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Tại Điều 359 Bộ luật hình sự 2015 có quy định:

"Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

...

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo trong công tác:

- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

- Làm, cấp giấy tờ giả;

- Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội giả mạo trong công tác có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm (Đây là hình phạt chính).

Ngoài ra, người phạm tội giả mạo trong công tác còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (hình phạt bổ sung).

Do đó: Trường hợp có cơ sở để xác định người chấm thi hoặc người có liên quan mật thiết đến hoạt động chấm thi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện hành vi sửa điểm thi của thí sinh tham gia các kỳ thi như là kỳ thi thi trung học phổ thông quốc gia, kỳ thi học sinh giỏi,... thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo trong công tác với mức hình phạt từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào