Rút sổ tiết kiệm ngân hàng của người đã chết không để lại di chúc như thế nào?
Theo quy định tại Điều 17 Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN thì:
Thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các quy định về thừa kế tại Bộ Luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo đó, khi người chết không để lại di chúc thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (hoặc hàng thừa kế thứ hai nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai) sẽ thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật (Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015)
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì thứ tự các hàng thừa kế được quy định như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì sổ tiết kiệm sẽ được chia cho các đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất. Thủ tục rút sổ tiết kiệm sẽ thực hiện như phân chia các tài sản khác. Các đồng thừa kế cần phải lập thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (thực hiện tại Văn phòng công chứng), trong đó phần di sản là sổ tiết kiệm.
Sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo sự hướng dẫn của Văn phòng công chứng, các đồng thừa kế có thể đến ngân hàng và cung cấp những giấy tờ theo yêu cầu của ngân hàng để có thể tiến hành rút sổ tiết kiệm. Các giấy tờ cần thiết bao gồm:
- Sổ tiết kiệm;
- Giấy chứng tử;
- Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;
- Giấy ủy quyền cho một người đứng ra rút tiền;
- Các loại giấy tờ khác theo yêu cầu cụ thể của ngân hàng,...
Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật