Công dân có được mang dao bấm để phòng thân?
Tại Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 quy định: "Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu."
Tại Khoản 1 Điều 28 Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 quy định đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ bao gồm:
- Quân đội nhân dân;
- Dân quân tự vệ;
- Cảnh sát biển;
- Công an nhân dân;
- Cơ yếu;
- Kiểm lâm, Kiểm ngư;
- An ninh hàng không;
- Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;
- Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
- Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
Căn cứ theo quy định trên, bạn không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ. Việc bạn mang theo dao bấm để phòng thân là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể bị xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể:
"3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;
..."
Như vậy, hành vi tàng trữ dao bấm của bạn đã vi phạm điểm a khoản 3 Điều 5 nói trên và việc bị xử phạt của cơ quan chức năng trong trường hợp này là có căn cứ.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với trường hợp mang dao bấm để phòng thân.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc