Tiêu thụ tiền giả bị phạt ít nhất là 3 năm tù?
Theo quy định tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 thì tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam.
Người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 180 Bộ luật Hình sự (với mức hình phạt tù từ 3 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Nghị quyết hướng dẫn việc xác định trách nhiệm hình sự theo số lượng tiền giả như sau:
- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới 3 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm;
- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 3 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo các quy định vừa viện dẫn thì do tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với nền kinh tế nên làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị coi là phạm tội, không phân biệt số lượng tiền giả nhiều hay ít.
Như vậy, việc một người mua và sử dụng đô la Mỹ giả với số lượng dưới 10 triệu đồng cũng bị coi là phạm tội lưu hành tiền giả; người phạm tội trong trường hợp này có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Thư Viện Pháp Luật