Các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn thực phẩm
Tại Chương II Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công thương ban hành, có quy định các nội dung bắt buộc trên nhãn thực phẩm như sau:
- Tên sản phẩm: Phải được ghi trên phần chính của nhãn, đúng với tên trong Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Trường hợp tên chứa thành phần cấu tạo của sản phẩm thì phải ghi rõ định lượng gần tên sản phẩm ở vị trí dễ nhìn hoặc trong phần liệt kê thành phần cấu tạo;
- Thành phần cấu tạo: Phải ghi theo thứ tự giảm dần theo khối lượng hoặc tỷ lệ phần trăm của mỗi thành phần;
- Định lượng sản phẩm: Phải được ghi theo đơn vị đo lường quốc tế (thể tích thực đối với thực phẩm dạng lỏng, khối lượng tịnh đối với thực phẩm dạng rắn và khối lượng tịnh hoặc thể tích thực đối với thực phẩm dạng sệt hoặc vừa rắn vừa lỏng);
- Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản:
+ Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng phải được ghi chính xác, trung thực. Bắt buộc phải ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày” đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Không bắt buộc ghi ngày sản xuất và thời hạn sử dụng đối với các sản phẩm đồ uống có chứa tối thiểu 10% nồng độ cồn theo thể tích;
+ Hướng dẫn bảo quản phải ghi thời hạn sử dụng kèm theo điều kiện bảo quản (nếu có);
+ Thời hạn sử dụng phải bao gồm các thông tin sau đây:
++ Ngày và tháng đối với sản phẩm có thời hạn sử dụng không quá ba tháng;
++ Tháng và năm đối với sản phẩm có thời hạn sử dụng trên ba tháng;
++ Ngày, tháng và năm phải được ghi theo dãy số không mã hóa.
- Hướng dẫn sử dụng: Trường hợp nhãn sản phẩm nhỏ hơn 10cm2 thì phải ghi ra một tài liệu khác kèm theo;
- Thông tin tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm: Ghi tên và địa chỉ cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm hoặc cá nhân, tổ chức công bố sản phẩm đối với trường hợp nhập khẩu;
- Xuất xứ sản phẩm: Ghi tên nước xuất xứ sản phẩm theo quy định về xuất xứ hàng hóa;
- Số Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP;
- Các khuyến cáo và cảnh báo an toàn: Phải dựa trên các bằng chứng khoa học và được chứng minh khi công bố sản phẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật