Vừa ký hợp đồng lao động thì có được hưởng chế độ ốm đau không?
Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện hưởng chế độ ốm đau gồm:
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
==> Điều kiện để hưởng chế độ ốm đau không yêu cầu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
==> Bạn mới bắt đầu làm việc chưa đóng bảo hiểm xã hội nhưng bạn vẫn có thể được hưởng chế độ ốm đau. Mức hưởng chế độ ốm đau của bạn là 75% mức lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đầu tiên trở lại làm việc. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 100, 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm bản chính hoặc bản sao giấy ra viện
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật