Có được trợ cấp thôi việc, mất việc khi chấm dứt hợp đồng thử việc?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Tại Điều 29 Bộ luật lao động 2012 có quy định:
"Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận."
Mặt khác, tại Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP có quy định:
"Điều 7. Thông báo kết quả về việc làm thử
1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.
2. Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trong thời gian thử việc người sử dụng lao động và người lao động có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc bất kỳ lúc nào.
Do đó: Việc bạn thông báo và nghỉ việc tại công ty vào ngày 31/12/2018 (thời điểm chấm dứt hợp đồng thử việc) là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tại Điều 48 và Điều 49 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:
"Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
...
Điều 49. Trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
..."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì chế độ trợ cấp thôi việc và chế độ trợ cấp mất việc chỉ áp dụng đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó không bao gồm hợp đồng thử việc.
Do đó: Với thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì hợp đồng của bạn là hợp đồng thử việc. Nên không thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc theo quy định tại Điều 48 và Điều 49 Bộ luật lao động 2012 khi hợp đồng thử việc chấm dứt. Trừ trường hợp hợp đồng thử việc giữa bạn và công ty có thỏa thuận khác thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật