Việc ký quỹ của thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh được quy định như thế nào?

Tôi hiện đang tìm hiểu về chứng khoán phái sinh. Tôi có thắc mắc về vấn đề này mong được Ban tư vấn giải đáp giúp. Cụ thể cho tôi hỏi việc ký quỹ của thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều! Minh Thi - thi******@gmail.com

Việc ký quỹ của thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh được quy định tại Điều 21 Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

1. Việc ký quỹ của thành viên bù trừ với Trung tâm lưu ký chứng khoán được thực hiện như sau:

a) Thành viên bù trừ phải nộp ký quỹ ban đầu cho Trung tâm lưu ký chứng khoán cho các vị thế đứng tên mình dự kiến mở trước khi thực hiện giao dịch, trừ các giao dịch đối ứng của cùng một tài khoản giao dịch;

b) Thành viên bù trừ phải bổ sung ký quỹ khi tổng giá trị tài sản ký quỹ không đáp ứng được giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu do Trung tâm Lưu ký chứng khoán tính toán đối với toàn bộ vị thế đứng tên mình và được rút bớt tài sản ký quỹ nếu giá trị tài sản ký quỹ vượt quá giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán;

c) Tỷ lệ ký quỹ bằng tiền thực hiện theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán, đảm bảo không thấp hơn 80%, trừ trường hợp ký quỹ bằng chứng khoán để chuyển giao khi thực hiện hợp đồng hoặc nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán hợp đồng tương lai trái phiếu thanh toán dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở thực hiện ký quỹ bằng tài sản có thể chuyển giao. Giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu đối với danh mục đầu tư trên từng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư, tổng giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu đối với toàn bộ vị thế đứng tên thành viên bù trừ do Trung tâm lưu ký chứng khoán tính toán trong phiên giao dịch dựa trên giá trị ký quỹ ban đầu, giá trị lãi lỗ vị thế kết hợp với việc đánh giá về khả năng biến động giá tối đa, mức độ tương quan giữa các vị thế, yêu cầu ký quỹ khi thực hiện hợp đồng theo phương thức chuyển giao tài sản cơ sở và các yếu tố khác mà Trung tâm lưu ký chứng khoán xét thấy là cần thiết;

d) Trung tâm lưu ký chứng khoán xác định và giám sát theo thời gian thực tỷ lệ giữa giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu với tổng giá trị tài sản ký quỹ theo từng tài khoản của nhà đầu tư, thành viên bù trừ. Trường hợp tỷ lệ này rơi vào các ngưỡng theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán có quyền cảnh báo thành viên bù trừ và áp dụng một trong các biện pháp xử lý sau:

- Đề nghị Sở giao dịch chứng khoán đình chỉ giao dịch đối với các tài khoản giao dịch liên quan, trừ các giao dịch đối ứng;

- Yêu cầu thành viên bù trừ (đối với tài khoản tự doanh) hoặc thông qua thành viên bù trừ yêu cầu nhà đầu tư (đối với tài khoản của nhà đầu tư) thực hiện giao dịch đối ứng để giảm vị thế, bổ sung tài sản ký quỹ.

2. Việc xác định các loại ký quỹ, phương pháp tính ký quỹ và các tham số của phương pháp này, loại tài sản được chấp nhận ký quỹ, cách thức và thời gian, thủ tục nộp hoặc rút ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ ban đầu, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền, việc thực hiện các quyền liên quan tới chứng khoán ký quỹ và các nội dung liên quan khác thực hiện theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán ban hành sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trên đây là tư vấn về việc ký quỹ của thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 11/2016/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chứng khoán phái sinh

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào