Niêm yết, tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh
Niêm yết, tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh được quy định tại Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
1. Sở giao dịch chứng khoán phối hợp với Trung tâm lưu ký chứng khoán xác định các nội dung của chứng khoán phái sinh theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP; thực hiện việc niêm yết và tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận theo quy định của pháp luật.
2. Sở giao dịch chứng khoán được tạm ngừng giao dịch một, một số loại chứng khoán phái sinh nhất định hoặc tạm ngừng giao dịch các chứng khoán phái sinh trên toàn thị trường khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Không thể xác định được giá trị của tài sản cơ sở do thị trường cơ sở ngừng giao dịch;
b) Chứng khoán cơ sở bị tạm ngừng giao dịch;
c) Xảy ra sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự cố kỹ thuật tại hệ thống giao dịch, hệ thống bù trừ, thanh toán;
d) Các trường hợp khác theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán.
3. Sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi xảy ra sự kiện dẫn tới việc phải tạm ngừng giao dịch. Hoạt động giao dịch phải được khôi phục ngay trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi các sự kiện dẫn tới việc tạm ngừng giao dịch đã được khắc phục.
4. Trường hợp giao dịch trên thị trường phát sinh lỗi, việc sửa lỗi giao dịch thực hiện theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán. Trường hợp việc sửa lỗi dẫn tới vượt giới hạn vị thế, thành viên giao dịch, khách hàng phải thực hiện các giao dịch đối ứng tại ngày giao dịch kế tiếp để giảm vị thế theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Trên đây là tư vấn về niêm yết, tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 11/2016/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật