Có được tiến hành xét xử khi bị cáo vắng mặt hay không?
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bị cáo có các nghĩa vụ sau đây:
- Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
- Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì trường hợp bị cáo không có mặt tại phiên xét xử thì Tòa án phải ra quyết định hoãn phiên tòa. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì việc xét xử vụ án hình sự chỉ được tiến hành khi có mặt bị cáo tại phiên tào xét xử.
Tuy nhiên, Tại Khoản 2 Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định Tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp sau đây:
- Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
- Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
- Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
- Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Như vậy: Phiên tòa xét xử vụ án hình sự vẫn có thể tiến hành khi vắng mặt của bị cáo tại phiên tòa nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật