Quy định về thời gian học và những thay đổi trong quá trình học của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam

Tôi hiện có một người bạn mới quen, nghe cậu ấy giới thiệu thì cậu ấy là lưu học sinh nước ngoài vào học tập tại Việt Nam, tôi muốn được kết thân với cậu bạn này, nên muốn tìm hiểu nhiều hơn về việc học của cậu ấy, cụ thể: thời gian học và những thay đổi trong quá trình học của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào? Thế Khang (khang****@gmail.com)

Tại Điều 8 Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ 08/02/2019, có quy định thời gian học và những thay đổi trong quá trình học như sau:

1. Thời gian học tập để lấy văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận

a) Thời gian học tập theo các cấp học và trình độ đào tạo được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan;

b) Thời gian bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian thực tập đối với thực tập sinh thực hiện theo thỏa thuận giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo.

2. Điều chỉnh thời gian học tập

a) Lưu học sinh được rút ngắn thời gian đào tạo nhưng phải hoàn thành nội dung của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành;

b) Lưu học sinh Hiệp định cần kéo dài thời hạn học tập, nghiên cứu để hoàn thành chương trình đào tạo, bao gồm cả thời gian học dự bị tiếng Việt thì phải có ý kiến đồng ý của phía gửi đào tạo và được thủ trưởng cơ sở giáo dục nơi lưu học sinh đang học tập đồng ý bằng văn bản;

c) Đối với lưu học sinh ngoài Hiệp định, việc kéo dài thời gian học tập thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục nơi lưu học sinh đang học tập.

3. Tạm dừng học

a) Trong quá trình học tập, lưu học sinh Hiệp định được tạm dừng học tối đa 12 tháng nếu có lý do chính đáng được phía gửi đào tạo đồng ý và cơ sở giáo dục cho phép bằng văn bản;

b) Thời gian tạm dừng học đối với lưu học sinh ngoài Hiệp định thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục.

4. Chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục

a) Lưu học sinh Hiệp định chỉ được chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục khi được phía gửi đào tạo đồng ý và cơ sở giáo dục ra quyết định cho phép (đối với trường hợp chuyển cơ sở giáo dục thì phải có văn bản đồng ý của cơ sở giáo dục nơi chuyển đi và nơi tiếp nhận). Việc chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục chỉ thực hiện một lần và áp dụng đối với lưu học sinh theo học từ trình độ cao đẳng trở lên;

b) Việc chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục của lưu học sinh ngoài Hiệp định thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục.

Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Học sinh

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào