Bán hàng qua mạng chất lượng không như mô tả có vi phạm pháp luật?
Tại Điều 445 Bộ luật dân sự 2015 có quy định bảo đảm chất lượng vật mua bán như sau:
- Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.
- Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:
+ Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;
+ Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;
+ Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.
Tại Khoản 3 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có quy định hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm:
a) Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;
b) Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ;
c) Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.
=> Bên bán có nghĩa vụ sửa chữa, đổi, giảm giá và bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bên mua. Trường hợp bán hàng không đảm bảo chất lượng như mô tả, cam kết nhưng lại không sửa chữa, đổi là họ da xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng, như thế đã là vi phạm pháp luật.
Tại Điều 25 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có quy định yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
- Người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
=> Như vậy, khi phát hiện các tình huống như thế thì bạn có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết. Để tránh tình trạng những người khác cũng sẽ bị lừa như bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật