Việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước được thực hiện như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 27 Luật tài nguyên nước 2012 quy định việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước được thực hiện như sau:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do mình gây ra;
- Trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương có trách nhiệm xác định rõ nguyên nhân, tổ chức, cá nhân gây ra sự cố; phối hợp giảm thiểu tác hại do sự cố gây ra; giám sát, đánh giá mức độ suy giảm chất lượng nước, thiệt hại do sự cố gây ra để yêu cầu đối tượng gây ra sự cố bồi thường thiệt hại;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan trong quá trình ngăn chặn, xử lý sự cố và báo cáo kịp thời với Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, ngoài việc bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trước mắt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước về lâu dài và bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Trên đây là quy định về việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc