Nguồn thu của ngân sách trung ương bao gồm những gì?
Nguồn thu của ngân sách trung ương được quy định tại Điều 28 Luật ngân sách Nhà nước 1996 như sau: (Điều này được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi 1998)
Nguồn thu của ngân sách trung ương gồm:
1. Các khoản thu 100%:
a) Thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu;
b) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
c) Thuế tiêu thụ đặc biệt, không kể thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản suất trong nước thu vào các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê; kinh doanh gôn (golf) bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot); kinh doanh vé đặt cược đua ngựa, đua xe;
d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành;
đ) Các khoản thuế và thu khác từ dầu khí phải nộp ngân sách trung ương theo quy định của Chính phủ;
e) Thu nhập từ vốn góp của Nhà nước, tiền thu hồi vốn của Nhà nước tại các cơ sở kinh tế, thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (cả gốc và lãi), thu từ quỹ dự trữ nhà nước;
g) Các khoản do Chính phủ vay; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ theo quy định của pháp luật;
h) Các khoản phí, lệ phí và các khoản thu khác nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của Chính phủ;
i) Thu kết dư ngân sách trung ương;
k) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh:
a) Thuế giá trị gia tăng, không kể thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Thuế thu nhập doanh nghiệp, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;
d) Thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài;
đ) Thu sử dụng vốn ngân sách.
Trên đây là nội dung quy định về nguồn thu của ngân sách trung ương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Ngân sách Nhà nước 1996.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật