04 trường hợp không được chuyển mạng giữ số
Theo quy định tại Thông tư 35/2017/TT-BTTTT thì chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (chuyển mạng) là việc thuê bao di động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất này trở thành thuê bao di động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất khác và giữ nguyên số (bao gồm mã mạng và số thuê bao).
Còn dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (dịch vụ chuyển mạng) là hoạt động thương mại giữa thuê bao di động với Doanh nghiệp chuyển đến kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất khác và Trung tâm Hỗ trợ phát triển mạng và dịch vụ - Cục Viễn thông.
Các thuê bao di động nếu có nhu cầu chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (hay còn được gọi là chuyển mạng giữ số) có thể đăng ký với doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất cho thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng (hay còn gọi là doanh nghiệp chuyển đi) để được giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất đi thì doanh nghiệp chuyển đi có thể từ chối thực hiện chuyển mạng đối với thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng.
Theo đó, theo quy định tại Điều 6 Thông tư 35/2017/TT-BTTTT thì doanh nghiệp chuyển đi chỉ được từ chối thực hiện chuyển mạng đối với thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Thứ nhất: Thông tin thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng tại Doanh nghiệp chuyển đến không chính xác so với thông tin của thuê bao đó tại Doanh nghiệp chuyển đi, bao gồm các thông tin cơ bản như sau:
- Đối với thông tin của thuê bao là cá nhân: Thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP , bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số/ngày cấp/cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam); Hình thức thanh toán giá cước.
- Đối với thông tin của thuê bao là tổ chức: Thông tin trên giấy chứng nhận pháp nhân của tổ chức theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP , bao gồm: tên tổ chức, địa chỉ trụ sở giao dịch, số/ngày cấp/cơ quan cấp hoặc nơi cấp quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; danh sách số điện thoại thuộc tổ chức đăng ký dịch vụ chuyển mạng; Hình thức thanh toán giá cước.
(2) Thứ hai: Vi phạm các hành vi quy định tại Điều 12 Luật Viễn thông hoặc theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(3) Thứ ba: Đang có khiếu nại, tranh chấp về việc sử dụng dịch vụ đối với Doanh nghiệp chuyển đi;
(4) Thứ 4: Vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc điều kiện giao dịch chung với Doanh nghiệp chuyển đi.
Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì có thể xảy ra hai trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Nếu nhà mạng chuyển đi (ví dụ là Viettel) căn cứ một trong các trường hợp được trích dẫn trên đây để từ chối yêu cầu chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số từ nhà mạng chuyển đi sang nhà mạng chuyển đến (ví dụ là MobiFone) của bạn là phù hợp với quy định của pháp luật.
- Trường hợp 2: Nếu trường hợp nhà mạng chuyển đi từ chối yêu cầu chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số từ nhà mạng chuyển đi sang nhà mạng chuyển đến của bạn mà không thuộc một trong các trường hợp nào kể trên thì việc từ chối này không phù hợp với quy định của pháp luật.
Nên bạn có quyền khiếu nại quyết định của nhà mạng chuyển đi để được giải quyết. Trường hợp không được nhà mạng chuyển đi không giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết nhưng không thỏa đáng thì bạn có thể khiếu nại với cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết về vấn đề này.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật