Tung tin đồn thất thiệt mạng xã hội để câu like bị xử lý thế nào?

Xin cho hỏi, trường hợp một người tung tin đồn thất thiệt về một vấn đề nào đó (mà thực chất là không có vấn đề này) để câu like, câu view trên các trang mạng xã hội như là facebook, youtube,... mà bị phát hiện thì bị xử lý như thế nào?

Mạng xã hội ra đời và phát triển đã trở thành một công cụ dễ dàng để kết nối mọi người mọi người lại với nhau (không chỉ trong một lãnh thổ nhất định mà nó có thể kết nối trên toàn thế giới với nhau như là Facebook, Twitter, Instagram,...).

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có mặt trái của nó nếu mọi người quá lạm dụng vào nó. Thậm chí, nó còn là nguyên nhân phá vỡ nhiều mối quan hệ, ngoài ra còn mang lại cho người sử dụng những rắc rối pháp lý nhất định khi quá lạm dụng nó.

Theo đó, việc tung tin đồn thất thiệt (không có thật) trên mạng xã hội để câu like, câu view đang ngày càng rầm rộ và có những diễn tiến phức tạp làm ảnh hưởng đến tính hình an ninh trật tự xã hội, an ninh quốc gia.

Người tung tin đồn thất thiệt (dù biết chắc chắn là thông tin này hoàn toàn không có thật) lên các trang mạng xã hội như là Facebook, Twitter, Instagram,... nhằm câu like, câu view,... làm ảnh hưởng đến tính hình an ninh trật tự xã hội, an ninh quốc gia,... tùy vào mức độ quy hiểm của hành vi mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

1. Xử lý hành chính:

Trường hợp hành vi tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP khi bị phát hiện.

Theo đó, theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP thì:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; hoặc hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc;

Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc phải hoàn trả hoặc buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được, thu hồi đầu số, kho số viễn thông.

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

2. Xử lý hình sự:

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội như là Facebook, Twitter, Instagram,... có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào