Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH như thế nào là hợp lệ?

Em làm bên hành chính nhân sự nên cũng có quan tâm đôi chút về bảo hiểm xã hội. Anh chị cho em hỏi các quy định về một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hợp lệ thì cần phải đáp ứng những yếu tố nào được không? Trường hợp nào thì được cấp lại giấy chứng nhận này? Em có thể tham khảo những vấn đề này ở văn bản nào? Mong anh chị có thể dành chút thời gian để tư vấn giúp em! Mỹ Duyên (duyen***@gmail.com)

Căn cứ pháp lý: Thông tư 56/2017/TT-BYT

1/ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được cấp phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó

- Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

- Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2/ Quy định về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH:

- Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

- Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định

- Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất

- Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

3/ Thẩm quyền ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH:

Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.

4/ Dấu trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH:

- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là pháp nhân: đăng ký mẫu dấu thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT

- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân: đăng ký con dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mẫu chữ ký của người hành nghề được phép ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.

5/ Cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có trách nhiệm:

Cấp lại giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau đây:

- Bị mất, bị hỏng;

- Người ký các giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền;

- Việc đóng dấu trên các giấy chứng nhận không đúng quy định;

- Có sai sót về thông tin được ghi trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp cấp lại phải đóng dấu "Cấp lại" trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Ban biên tập thông tin đến bạn!

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào