Phải làm thế nào khi bị chồng ép ở nhà nội trợ, không cho đi làm?
Tại Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì quyền làm việc là quyền của vợ, chồng. Vợ chồng phải có nghĩa vụ giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhau chọn nghề nghiệp, việc làm và thực hiện quyền được làm việc theo nguyện vọng của nhau.
Vợ chồng không được ép buộc, hạn chế quyền được làm việc của nhau. Các trường hợp ép buộc, hạn chế quyền làm việc của chồng, vợ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định.
Theo đó, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người nào trong gia đình có hành vi không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, còn buộc phải xin lỗi công khai khi thành viên trong gia đình có yêu cầu (Khoản 4 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Như vậy: Trường hợp vợ, chồng ép buộc, hạn chế quyền làm việc của nhau trong mọi trường hợp sẽ có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng và buộc phải xin lỗi công khai nếu vợ, chồng (người bị ép buộc, hạn chế quyền làm việc) có yêu cầu.
Do đó: Đối với trường hợp của bạn, do cuộc sống gia đình trở nên khá giả hơn do chồng được thăng chức, tăng lương, nên chông đã ép buộc, yêu cầu bạn không được đi làm nữa, mà ở nhà làm nội trợ, chăm lo cho chồng con là chuyện không hề hiếm trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nên bạn có thể nói chuyện, thỏa thuận lại với chồng về vấn đề này (ví dụ như là bạn vẫn đi làm, nhưng công việc nội trợ và chăm lo cho chồng con bạn vẫn có thể thực hiện tốt cả hai; hoặc hai vợ chồng có thể phân công công việc gia đình để cùng nhau thực hiện,...).
Trường hợp không thỏa thuận được với chồng bạn và chồng bạn vẫn khăng khăn giữ quan điểm như trên thì bạn có thể trình báo với chính quyền địa phương để họ can thiệp giải quyết. Đồng thời bạn có thể liên hệ với Hội phụ nữ tại địa phương để được giúp đỡ.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật