Việc hòa giải cơ sở giữa các bên ở các tổ dân phố khác nhau được thực hiện ra sao?

Ban biên tập hãy giúp tôi giải đáp các thắc mắc sau đây: Việc hòa giải cơ sở giữa các bên ở các tổ dân phố khác nhau đuợc thực hiện như thế nào? Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!

Với quy định hiện hành của pháp luật thì hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật.

Theo đó, việc hòa giải cơ sở giữa các bên ở các tổ dân phố khác nhau đuợc thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở với nội dung như sau:

- Trong trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau, thì tổ trưởng tổ hòa giải hoặc hòa giải viên được phân công hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đó phối hợp, trao đổi thông tin, bàn về biện pháp tiến hành hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp giải quyết.

- Sau đó, các hòa giải viên phối hợp tiến hành hòa giải và thông báo kịp thời với tổ trưởng tổ hòa giải về kết quả hòa giải.

Lưu ý: Việc hòa giải cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

- Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;

- Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung giải đáp về việc hòa giải cơ sở giữa các bên ở các tổ dân phố khác nhau. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về vấn đề này tại Nghị định 15/2014/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào