03 trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm
Với quy định hiện hành của nước ta thì việc yêu cầu người lao động làm thêm giờ cần phải đáp ứng được một số quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, và một trong số đó là quy định người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm thêm quá 200 giờ trong một năm.
Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. Cụ thể, tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động do Thủ tướng Chính phủ ban hành có quy định về các trường hợp người sử dụng lao động được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm bao gồm:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Bên cạnh đó, khi tổ chức làm thêm giờ trong các trường hợp này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
Trên đây là nội dung giải đáp về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật