Đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì có phải đóng BHXH nữa không?
Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:
2. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với các hợp đồng sau:
a) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
c) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
d) Hợp đồng cá nhân.
Các đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.
3. Người lao động quy định tại Nghị định này thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Riêng người lao động quy định tại các Điểm e và g Khoản 1 và các Điểm a, c và d Khoản 2 Điều này chỉ thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất.
Căn cứ theo các quy định trên, trường hợp Anh/Chị đang tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề thì sẽ vẫn thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Anh/Chị tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở Việt Nam nhưng chỉ thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất.
Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật