Mượn xe bạn rồi đem đi bán là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?
Tại Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm doạt tài sản.
Theo đó, chúng tôi phân tích yếu tố cấu thành tội phạm cho bạn dễ hiểu như sau:
1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Khách thể: xâm phạm quyền sở hữu tài sản
- Chủ thể:
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà luật có quy định.
- Khách quan:
+ Người phạm tội chiếm hữu trái phép tài sản của người khác: có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc.
+ Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội.
Đồng thời: Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên
Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó và muốn hậu quả đó xảy ra.
2. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm doạt tài sản:
- Khách thể: xâm phạm quyền sở hữu tài sản
- Chủ thể:
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà luật có quy định.
- Khách quan:
+ Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê,...
+ Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.
Lưu ý: Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên, nếu tài sản có giá trị dưới 4 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới thì mới cấu thành tội phạm.
- Mặt chủ quan của tội phạm
+ Lỗi cố ý
+ Mục đích: chiếm đoạt tài sản
==> Như vậy, từ những phân tích trên thì có thể hiểu cái khác biệt rõ nhất giữa 02 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là về mặt khách quan.
+ Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội chiếm hữu trái phép tài sản của người khác
+ Với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê.
Vậy với trường hợp mượn xe bạn rồi đem đi bán là hành vi có được tài sản một cách hợp pháp nhưng sau đó thực hiện mục đích là chiếm đoạt tài sản của bạn mình, lợi dụng lòng tin và sự tin tưởng để thực hiện hành vi phạm tội. Vậy mượn xe bạn rồi đem đi bán với trường hợp trên là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật