Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội 1992

Xin chào Ban biên tập, tôi hiện đang tìm hiểu về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ. Cụ thể Ban tư vấn cho tôi hỏi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội 1992 được quy định như thế nào? Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều! Minh Hân - Đồng Nai

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức Quốc hội 1992, theo đó:

Chủ tịch Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Chủ toạ các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành Quy chế đại biểu Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội;

2- Lãnh đạo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị, triệu tập và chủ toạ các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

3- Triệu tập và chủ toạ hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng và Uỷ ban của Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, khi xét thấy cần thiết;

4- Giữ mối quan hệ với các đại biểu Quốc hội;

5- Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện ngân sách của Quốc hội;

6- Chỉ đạo việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong Liên minh Quốc hội thế giới.

Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch.

Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội 1992. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào