Cổ phần phổ thông có thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi không?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì công ty cổ phần là doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
Cổ phần của công ty cổ phần bao gồm các loại sau:
- Cổ phần phổ thông (bắt buộc phải có). Tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần phổ thông được xác định là cổ đông phổ thông. Khi đó, tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần phổ thông có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 114 và Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết. Tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết được xác định là cổ đông ưu đãi biểu quyết. Khi đó, tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Cổ phần ưu đãi cổ tức. Tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần ưu đãi cổ tức được xác định là cổ đông ưu đãi cổ tức. Khi đó, tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại. Tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần ưu đãi hoàn lại được xác định là cổ đông ưu đãi hoàn lại. Khi đó, tổ chức, cá nhân nắm giữ cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 118 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.
Trong đó, chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, cổ phần phổ thông thì không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật