Mức phạt đối với người tẩu tán tài sản trốn thi hành án?
Khoản 5, Khoản 8 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định:
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;
b) Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên;
c) Hủy hoại tài sản đã kê biên;
d) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ;
đ) Cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.
Như vậy, hành vi tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, sau đó còn bị áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định:
Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.
Khi phát hiện hành vi tẩu tán tài sản thì gia đình cũng có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:
a) Phong toả tài khoản;
b) Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Trân trọng!