Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam
Ngày 15/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 (gọi tắt là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018).
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo quy định tại Điều 17 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020) thì việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Được sự đồng ý của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 về việc sử dụng nội dung bí mật nhà nước;
- Thành phần tham dự là đại diện cơ quan, tổ chức hoặc người được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bí mật nhà nước;
- Địa điểm tổ chức bảo đảm an toàn, không để bị lộ, bị mất bí mật nhà nước;
- Sử dụng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước;
- Có phương án bảo vệ hội nghị, hội thảo, cuộc họp;
- Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được thu hồi sau hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
Người tham dự hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và sử dụng bí mật nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 và yêu cầu của người chủ trì hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật