Quyền của Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành đầu tư xây dựng Kiểm toán nhà nước
Quyền của Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành đầu tư xây dựng Kiểm toán nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định 1669/QĐ-KTNN năm 2017 về Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc Kiểm toán nhà nước, cụ thể như sau:
- Giám đốc chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và pháp luật về quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của Ban Quản lý dự án chuyên ngành và là chủ tài khoản của đơn vị;
- Chủ động tổ chức thực hiện công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý dự án chuyên ngành;
- Điều hành Ban Quản lý dự án chuyên ngành chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc của Kiểm toán nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, chính quyền địa phương nơi đóng trụ sở; xây dựng và thường xuyên củng cố mối quan hệ công tác với cấp ủy, chính quyền địa phương; ban hành và kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của Ban Quản lý dự án chuyên ngành theo hướng dẫn của Kiểm toán nhà nước;
- Thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Kiểm toán nhà nước;
- Phân công nhiệm vụ, quản lý, chỉ đạo sự phối hợp, kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân công cho các Phó Giám đốc, công chức, viên chức và người lao động của Ban Quản lý dự án chuyên ngành;
- Uỷ quyền cho một Phó Giám đốc quản lý, điều hành đơn vị khi vắng mặt; trường hợp đi công tác ngoài kế hoạch công tác đã được phê duyệt và vắng mặt vì việc riêng từ 02 ngày làm việc trở xuống thì phải báo cáo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đơn vị, từ 03 ngày làm việc trở lên phải báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước; đồng thời thông báo cho Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước biết;
- Phối hợp với Thủ trưởng đơn vị khác để xử lý kịp thời những vấn đề có liên quan đến công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án chuyên ngành và thực hiện nhiệm vụ chung của Kiểm toán nhà nước;
- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; sử dụng đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Kiểm toán nhà nước; quản lý công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Kiểm toán nhà nước;
- Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của Ban Quản lý dự án chuyên ngành hoạt động có hiệu quả, đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích của công chức, viên chức, người lao động;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Kiểm toán nhà nước giao hoặc theo quy định của pháp luật; được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và chịu trách nhiệm cá nhân trước Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật về nội dung được ủy quyền;
- Ký các văn bản, hợp đồng xây dựng với các nhà thầu được lựa chọn.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật