Phương pháp xác định khối lượng công cụ nợ của nhà nước được hoán đổi trúng thầu
Phương pháp xác định khối lượng công cụ nợ của nhà nước được hoán đổi trúng thầu được quy định tại Khoản 3 Điều 19 Thông tư 110/2018/TT-BTC hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, (có hiệu lực ngày 01/01/2019), theo đó:
1. Đối với công cụ nợ được đấu thầu dưới hình thức cạnh tranh lãi suất:
Khối lượng công cụ nợ được hoán đổi cho mỗi nhà đầu tư dự thầu cạnh tranh lãi suất tương đương với khối lượng dự thầu của nhà đầu tư đó. Trường hợp tại mức lãi suất trúng thầu cao nhất, khối lượng dự thầu tính lũy kế đến mức lãi suất trúng thầu cao nhất vượt quá khối lượng gọi thầu thì sau khi đã trừ đi khối lượng dự thầu ở các mức lãi suất thấp hơn, phần còn lại của khối lượng gọi thầu được phân bổ cho các nhà đầu tư dự thầu tại mức lãi suất trúng thầu cao nhất theo tỷ lệ tương ứng với khối lượng dự thầu. Khối lượng công cụ nợ phân bổ cho các nhà đầu tư được làm tròn xuống hàng 10.000 (mười nghìn) đơn vị. Phần lẻ còn lại sau khi làm tròn được phân bổ cho nhà đầu tư đầu tiên đặt thầu tại mức lãi suất thực hiện phân bổ, trường hợp phân bổ phần lẻ vượt quá mức đặt thầu của nhà đầu tư này thì phần vượt quá được phân bổ cho nhà đầu tư đặt thầu tiếp theo cho đến hết khối lượng công cụ nợ gọi thầu.
2. Đối với công cụ nợ được đấu thầu dưới hình thức kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất:
- Khối lượng công cụ nợ được hoán đổi cho mỗi nhà đầu tư dự thầu cạnh tranh lãi suất tương đương với khối lượng dự thầu của nhà đầu tư đó. Trường hợp tại mức lãi suất trúng thầu cao nhất, khối lượng dự thầu tính lũy kế đến mức lãi suất trúng thầu cao nhất vượt quá khối lượng gọi thầu thì sau khi đã trừ đi khối lượng dự thầu từ các nhà đầu tư dự thầu không cạnh tranh lãi suất và khối lượng dự thầu ở các mức lãi suất thấp hơn, phần còn lại của khối lượng công cụ nợ gọi thầu được phân bổ cho các nhà đầu tư dự thầu tại mức lãi suất trúng thầu cao nhất theo tỷ lệ tương ứng với khối lượng dự thầu và được làm tròn xuống hàng 10.000 (mười nghìn) đơn vị. Phần lẻ còn lại sau khi làm tròn được phân bổ cho nhà đầu tư đầu tiên đặt thầu tại mức lãi suất thực hiện phân bổ, trường hợp phân bổ phần lẻ vượt quá mức đặt thầu của nhà đầu tư này thì phần vượt quá được phân bổ cho nhà đầu tư đặt thầu tiếp theo cho đến hết khối lượng công cụ nợ gọi thầu trừ đi khối lượng công cụ nợ phát hành cho các nhà đầu tư dự thầu không cạnh tranh lãi suất;
- Khối lượng công cụ nợ được hoán đổi cho mỗi nhà đầu tư dự thầu không cạnh tranh lãi suất tương đương với khối lượng dự thầu của nhà đầu tư đó. Trường hợp tổng khối lượng dự thầu vượt quá giới hạn quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 16 Thông tư này, khối lượng công cụ nợ được hoán đổi phân bổ cho mỗi nhà đầu tư dự thầu không cạnh tranh lãi suất theo tỷ lệ tương ứng với khối lượng dự thầu của nhà đầu tư đó và được làm tròn xuống hàng 10.000 (mười nghìn) đơn vị. Phần lẻ còn lại sau khi làm tròn được phân bổ cho nhà đầu tư đầu tiên đặt thầu không cạnh tranh lãi suất, trường hợp phân bổ phần lẻ vượt quá mức đặt thầu không cạnh tranh lãi suất của nhà đầu tư này thì phần vượt quá được phân bổ cho nhà đầu tư đặt thầu tiếp theo cho đến hết khối lượng công cụ nợ gọi thầu không cạnh tranh lãi suất;
- Trường hợp tất cả các nhà đầu tư dự thầu cạnh tranh lãi suất không trúng thầu, công cụ nợ sẽ không được phân bổ cho các nhà đầu tư dự thầu không cạnh tranh lãi suất.
Ví dụ minh họa xác định lãi suất trúng thầu, lãi suất danh nghĩa và phân bổ khối lượng công cụ nợ được hoán đổi trúng thầu tại Phụ lục 12 Thông tư này.
Trên đây là tư vấn về phương pháp xác định khối lượng công cụ nợ của nhà nước được hoán đổi trúng thầu. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 110/2018/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật