Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật
Ngày 15/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 (gọi tắt là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018).
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020) thì người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật bao gồm:
- Những người quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018;
- Người đứng đầu cục, vụ và tương đương thuộc cơ quan thuộc Chính phủ;
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h và i khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018; người đứng đầu cục, vụ và tương đương thuộc tổng cục và tương đương;
- Người đứng đầu sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương;
- Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, trừ người có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018; Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện;
- Bí thư huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy và Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật