Còn dư ngày phép, được trả lương
- Điều 74 Bộ luật lao động (BLLĐ) quy định về thời gian nghỉ hằng năm như sau:
“1- Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau đây:
a) 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;
c) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.
Điều 75 BLLĐ quy định số ngày nghỉ hằng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động, cứ năm năm được nghỉ thêm một ngày.
Về lịch nghỉ hằng năm, theo quy định tại điều 76 Bộ luật lao động thì:
“1- Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở và phải thông báo trước cho mọi người trong doanh nghiệp.
2- Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần. Người làm việc ở nơi xa xôi hẻo lánh, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ của hai năm để nghỉ một lần; nếu nghỉ gộp ba năm một lần thì phải được người sử dụng lao động đồng ý.
3- Người lao động do thôi việc hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được trả lương những ngày chưa nghỉ”.
Căn cứ theo các quy định trên, do công ty bạn không có thông báo cụ thể về lịch nghỉ hằng năm của năm 2011, người lao động đương nhiên được quyền nghỉ hằng năm của năm 2011 kể từ sau ngày 25-12-2011. Vì vậy việc công ty bạn trừ lương đối với người lao động nghỉ hằng năm (nghỉ phép) của năm 2011 sau ngày 25-12-2011 là vi phạm điều 74, điều 76 BLLĐ.
Ngoài ra việc công ty bạn quy định số ngày nghỉ hằng năm của năm nào thì phải sử dụng cho hết số ngày nghỉ hằng năm của năm đó, nếu người lao động chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm của năm cũ mà qua năm mới thì số ngày nghỉ hằng năm của năm cũ sẽ mất hết là trái với quy định tại khoản 3 điều 76 BLLĐ.
Trường hợp chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm, người lao động được trả lương cho những ngày chưa nghỉ. (Điều 61 BLLĐ quy định: người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau: vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% “ngày nghỉ có hưởng lương là ngày nghỉ hằng năm hay còn gọi là ngày nghỉ phép - điều 74 BLLĐ”).
Để bảo vệ quyền lợi, căn cứ điều 158 BLLĐ, người lao động có quyền làm đơn yêu cầu giám đốc công ty giải quyết. Trường hợp giám đốc công ty không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có quyền làm đơn yêu cầu hội đồng hòa giải cơ sở (nếu công ty đã thành lập hội đồng hòa giải cơ sở) hoặc làm đơn yêu cầu cơ quan lao động cấp huyện nơi công ty có trụ sở chính cử hòa giải viên lao động để tiến hành hòa giải.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc quá ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải mà không tiến hành hòa giải, thì người lao động có quyền khởi kiện công ty yêu cầu tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở chính giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật