Vì sao phải bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình?
Từ trước đến nay, đa số người dân đều đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT, nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mãn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác.
Bà Nguyễn Thanh Thuỷ (Hà Nội) đã phản ánh về những quy định mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT liên quan đến tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Theo quy định mới, tất cả các thành viên trong gia đình phải tham gia BHYT, trừ những người đã tham gia BHYT theo hình thức khác.
Khi mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, 1 hộ gia đình có 5 người sống tại Hà Nội thì người đầu tiên mua với giá 621.000 đồng, người thứ hai mua với giá bằng 70% người đầu, người thứ ba là 60%, người thứ tư là 50%, người thứ năm trở đi là 40%. Như vậy, hộ gia đình có 4 người, chi phí mua BHYT cả năm hơn 1,7 triệu đồng; hộ có 5 người chi phí gần 2 triệu đồng.
Theo ý kiến của bà Thủy, đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ gia đình khó khăn về kinh tế, khi họ chỉ có nhu cầu tham gia BHYT tự nguyện cho 1, 2 thành viên trong gia đình (người già, trẻ nhỏ).
Những người tham gia BHYT tự nguyện chủ yếu là lao động phổ thông, điều kiện kinh tế khó khăn mà số thành viên chưa tham gia BHYT đông. Bên cạnh đó, với quy định mới, khi đăng ký mua BHYT tự nguyện, cá nhân đăng ký phải khai đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ gia đình về số thẻ và loại hình tham gia (ví dụ BHYT học sinh, sinh viên, hưu trí…). Yêu cầu như vậy khiến thủ tục tham gia BHYT càng trở nên rắc rối.
Bà Thủy đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quy định trên để gỡ vướng cho người dân khi tham gia BHYT tự nguyện.
Về vấn đề này, cơ quan BHXH có ý kiến như sau:
Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua với một trong những mục tiêu lớn là tiến tới BHYT toàn dân. Mục tiêu đó nhằm giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm mức chi trả từ tiền túi của người dân, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội…
Từ trước đến nay, đa số người dân đều đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. Sở dĩ phải “luật hóa” việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến việc Quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi; mục đích chia sẻ rủi ro của BHYT chưa đạt được.
Gia đình là tế bào của xã hội và bản chất của BHYT không phải quỹ tương trợ, mà đó là cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Vậy thì ngay bản thân trong hộ gia đình các thành viên phải có trách nhiệm đối với nhau, sau đó có trách nhiệm với cộng đồng, rồi từ đó cộng đồng mới có trách nhiệm với cá nhân.
Bởi vậy, quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm mục đích khuyến khích tất cả người dân tham gia BHYT để cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cho cá nhân và xã hội. Số tiền người thứ 2 trong hộ gia đình mua BHYT tự nguyện chỉ bằng 70% số tiền người thứ nhất đóng, còn người thứ 3, thứ 4 lần lượt có mức đóng là 60% và 50% so với mức đóng của người thứ nhất. Số tiền đóng giảm dần nhằm khuyến khích hộ gia đình cùng tham gia.
Nhà nước đã có các phương án để hỗ trợ gia đình nghèo, khó khăn, chia thành nhiều nhóm đối tượng để hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT. Hiện có tới 13 nhóm đối tượng được cấp thẻ miễn phí như: Trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, thân nhân người có công, cán bộ xã, phường nghỉ hưu…
Ngoài ra, còn có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ một phần như người cận nghèo được hỗ trợ 70% tiền mua thẻ, thậm chí, nhiều tỉnh, thành phố còn chi thêm ngân sách để hỗ trợ thêm 10-30% còn lại; hỗ trợ 50% cho đối tượng học sinh, sinh viên; 30% cho hộ nông, ngư, diêm dân có mức thu nhập trung bình.
Thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, tổ chức các cuộc đối thoại để lắng nghe và giải thích các băn khoăn của người dân về BHYT, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký, mua BHYT.
Bên cạnh đó sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiết giảm các thủ tục khám, chữa bệnh, đáp ứng được mong muốn của người dân.
Thư Viện Pháp Luật