Bị cho nghỉ trước hạn hợp đồng, làm sao?
- Bạn ký HĐLĐ với công ty vào tháng 12-2010 nhưng đến tháng 8-2011 công ty mới tham gia đóng BHXH bắt buộc cho bạn là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật BHXH (theo Điều 2 Luật BHXH và điểm c khoản 1 Điều 18 Luật BHXH).
Việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn cũng trái với quy định của pháp luật lao động. Vì theo Điều 38 BLLĐ, người sử dụng lao động chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 của BLLĐ;
c) Người lao động làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn HĐLĐ mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì được xem xét để giao kết tiếp HĐLĐ;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.
Ngoài ra khoản 3 Điều 111 BLLĐ cũng quy định: người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, kéo dài thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Do đó trường hợp công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với bạn trong thời gian bạn đang có thai cũng trái với quy định pháp luật lao động.
Về bồi thường khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, theo khoản 1 Điều 41 BLLĐ, trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Cụ thể trong trường hợp của bạn, công ty phải bồi thường như sau:
- Trước tiên công ty phải nhận bạn trở lại làm công việc theo HĐLĐ đã ký với bạn.
- Bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ nếu có - theo quy định Điều 15 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 của Chính phủ) trong những ngày bạn không được làm việc.
- Bồi thường thêm cho bạn ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
- Tiếp tục đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho bạn kể từ thời điểm buộc bạn nghỉ việc cho đến thời hạn HĐLĐ hết hiệu lực, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bạn được hưởng các chế độ BHXH, BHYT trong thời gian bạn mang thai và sinh con (theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật BHXH).
- Thanh toán tiền lương đối với những ngày nghỉ hằng năm của năm 2012 mà bạn chưa nghỉ hết (theo quy định khoản 3 Điều 76 BLLĐ).
- Trả tiền thưởng hoặc tiền lương tháng 13 của năm 2012 (nếu HĐLĐ có quy định).
- Bồi thường những thiệt hại khác do bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (nếu có); tuy nhiên bạn phải có chứng cứ chứng minh được thiệt hại.
Bạn nên lưu ý: để bảo vệ được quyền lợi cho bạn trong trường hợp bạn bị công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, bắt buộc bạn phải làm đơn yêu cầu giám đốc công ty giải quyết, nếu giám đốc công ty không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn phải khởi kiện công ty tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở chính. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân về trường hợp bạn bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ là một năm kể từ ngày bạn bị công ty buộc phải nghỉ việc.
Về việc nộp bằng gốc khi làm việc, theo khoản 2 Điều 8 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18-4-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm, hồ sơ đăng ký dự tuyển (hồ sơ xin việc làm) bao gồm các loại giấy tờ như sau: bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển (không cần công chứng)…
Như vậy việc công ty bạn yêu cầu người lao động phải nộp văn bằng gốc là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật lao động. Trường hợp người lao động nào không nộp bằng gốc mà bị công ty cho nghỉ việc thì công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (công ty vi phạm Điều 38 BLLĐ).
Thư Viện Pháp Luật