Quy trình xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công
Tại Điều 21 Thông tư 01/2018/TT-VPCP, có hiệu lực ngày 06/01/2019, quy định quy trình xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công như sau:
Dịch vụ công trực tuyến thực hiện trên Cổng dịch vụ công được xây dựng, triển khai qua các bước:
1. Lựa chọn thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Xác định đối tượng người dùng và nhu cầu trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, đối tượng thực hiện theo các tiêu chí xuất hiện nhiều, phổ biến và có khả năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
- Xác định các thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm tiêu chí được quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP .
- Việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4 phải căn cứ vào nhu cầu người dùng trên cơ sở kết quả thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt tối thiểu từ 30% trong tổng số hồ sơ trở lên và nội dung thủ tục hành chính đáp ứng tiêu chí thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP .
2. Xây dựng quy trình tổng thể
Trên cơ sở danh mục dịch vụ công trực tuyến đã xác định, xây dựng quy trình tổng thể việc tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành, lĩnh vực, trong đó xác định rõ thời gian, lộ trình thực hiện và việc xây dựng, vận hành, khai thác của hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp bộ, cấp tỉnh.
3. Đề xuất xây dựng
Cơ quan, đơn vị báo cáo người đứng đầu bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, triển khai, đánh giá, dự kiến những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến, bao gồm các khó khăn về thể chế, hạ tầng, giải pháp kỹ thuật, văn hóa, thói quen người dùng và đề xuất giải pháp xử lý.
4. Tổ chức xây dựng các dịch vụ công trực tuyến cụ thể
Việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến cụ thể phải đảm bảo phù hợp với quy trình tổng thể tại khoản 2 Điều này và các bước như sau:
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính đã lựa chọn, trong đó đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ phải nộp trên cơ sở đánh giá các nguồn dữ liệu đã có và mức độ sẵn sàng tích hợp, cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến; đơn giản hóa trình tự, thời gian thực hiện và các bộ phận cấu thành khác của thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
- Xác định các dữ liệu cần cung cấp, giải pháp cung cấp dữ liệu và đánh giá mức độ sẵn sàng cung cấp của nguồn dữ liệu; các dịch vụ công trong quy trình tổng thể đã được cung cấp, các dịch vụ công tương tự đang vận hành.
- Xác định giải pháp định danh điện tử và xác thực điện tử phù hợp, trong đó ưu tiên các giải pháp định danh và xác thực điện tử có thể thực hiện trên các thiết bị di động thông minh.
- Xây dựng quy trình điện tử chi tiết trên cơ sở thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa; giải pháp định danh, xác thực điện tử và việc tích hợp, khai thác thông tin với các nguồn dữ liệu, dịch vụ công khác.
- Chạy thử nghiệm để hoàn thiện; tuyên truyền việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người sử dụng tiếp cận thông tin và thực hiện khi có nhu cầu.
5. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
- Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
- Khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức.
- Cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Trên đây là quy định về quy trình xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc