Khám, phân loại sức khỏe cho người đang nhiễm hoặc chưa nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam như thế nào?

Tôi nghĩ trong các nhà tù thì đối tượng tội phạm nào cũng sẽ có, theo đó là công tác quản lý, chăm sóc cũng như công tác phối hợp của cơ quan công an và Bộ y tế để hướng đến sự hoàn lương một cách hoàn thiện cho các đồi tượng tội phạm. Theo đó, Ban tư vấn hỗ trợ giúp tôi: việc khám, phân loại sức khỏe cho người đang nhiễm hoặc chưa nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam như thế nào?

Tại Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT Hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế ban hành, có quy định khám, phân loại sức khỏe như sau:

1. Sau khi tiếp nhận đối tượng quản lý, cơ sở quản lý thực hiện việc khám sức khỏe theo các nội dung sau đây:

a) Khai thác tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng ma túy của đối tượng quản lý, trong đó cần chú trọng khai thác thông tin về tình trạng nhiễm HIV và tiền sử điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị bằng thuốc thay thế;

b) Khám đánh giá, phân loại tình trạng sức khỏe của đối tượng;

c) Sau khi phân loại tình trạng sức khỏe của đối tượng, cơ sở quản lý triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng quản lý theo các nội dung sau đây:

- Trường hợp đối tượng quản lý đã điều trị HIV/AIDS, điều trị thay thế ngoài cộng đồng: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này;

- Trường hợp đối tượng quản lý đã biết tình trạng nhiễm HIV nhưng chưa được điều trị HIV/AIDS: Thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này;

- Trường hợp đối tượng quản lý có hành vi nguy cơ cao chưa biết tình trạng nhiễm HIV: Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

2. Trường hợp đối tượng quản lý đang điều trị HIV/AIDS, điều trị thay thế ngoài cộng đồng, việc điều trị cho đối tượng quản lý được thực hiện như sau:

a) Cơ sở quản lý có công văn kèm theo danh sách đối tượng quản lý đã điều trị HIV/AIDS, điều trị thay thế ngoài cộng đồng gửi cơ sở điều trị, nơi đối tượng quản lý đang điều trị đề nghị dừng cấp thuốc kháng HIV, thuốc điều trị thay thế và gửi phiếu chuyển tiếp điều trị, phiếu chuyển gửi (gọi tắt là phiếu chuyển tiếp điều trị) của đối tượng cho cơ sở quản lý;

b) Trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở quản lý (ngày nhận được công văn được tính theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ sở điều trị) (gọi tắt là kể từ ngày nhận được công văn), cơ sở điều trị có trách nhiệm gửi cho cơ sở quản lý phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư số 32/2013/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, theo dõi điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV (gọi tắt là Thông tư số 32/2013/TT-BYT), phiếu chuyển gửi của đối tượng theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12 tháng 04 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (gọi tắt là Thông tư số 12/2013/TT-BYT);

c) Trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phiếu chuyển tiếp điều trị của cơ sở điều trị, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

- Lập hồ sơ điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này;

- Lập hồ sơ điều trị thay thế cho đối tượng quản lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 và điều trị thay thế cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch này.

3. Trường hợp đối tượng quản lý thông báo đã nhiễm HIV nhưng chưa được điều trị HIV/AIDS:

a) Cơ sở quản lý có công văn gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi đối tượng quản lý đăng ký thường trú để đề nghị xác định tình trạng nhiễm HIV của đối tượng quản lý;

b) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở quản lý, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có trách nhiệm gửi cơ sở quản lý công văn xác định tình trạng nhiễm HIV của đối tượng quản lý;

c) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn trả lời của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

- Lập hồ sơ điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý đủ tiêu chuẩn điều trị theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này;

- Quản lý điều trị cho đối tượng quản lý nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 32/2013/TT-BYT;

- Tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này đối với các trường hợp Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh không xác định được tình trạng nhiễm HIV.

4. Trường hợp đối tượng quản lý có hành vi nguy cơ cao chưa biết tình trạng nhiễm HIV, cơ sở quản lý có trách nhiệm thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này. Sau khi có kết quả xét nghiệm HIV của đối tượng quản lý, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

a) Tiến hành việc quản lý, chăm sóc và điều trị cho đối tượng quản lý theo quy định tại tiết thứ nhất và tiết thứ hai Điểm c Khoản 3 Điều này đối với trường hợp đối tượng quản lý có kết quả xét nghiệm HIV dương tính;

b) Tiến hành lại việc tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này đối với các trường hợp đối tượng quản lý có kết quả xét nghiệm HIV âm tính sau 3 tháng tính từ thời điểm được làm xét nghiệm khi mới vào cơ sở quản lý.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào