Người chậm cấp dưỡng có phải trả thêm lãi?
Sau ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Về phương thức cấp dưỡng: Điều 117 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định:
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Vì bạn chưa nêu rõ việc thỏa thuận cấp dưỡng được thực hiện như thế nào, theo tháng, theo quý hay theo năm. Ở đây nếu thực hiện theo tháng nhưng chồng bạn không thực hiện là vi phạm nghĩa vụ.
Đối với việc tính lãi do chậm cấp dưỡng: Luật Hôn nhân Gia đình 2014 và Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định cụ thể về việc tính lãi tiền chậm cấp dưỡng. Do đó, vấn đề này hiện đang tồn tại hai quan điểm:
Thứ nhất, việc chậm cấp dưỡng được xem như là chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ hai, không áp dụng tính lãi tiền chậm cấp dưỡng (đây cũng là quan điểm của chúng tôi). Bởi vì: Theo Điều 107 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không thể xem giống như nghĩa vụ trả tiền vì bản chất của hai mối quan hệ này là khác nhau, cấp dưỡng được đặt ra đối với những người có quan hệ huyết thống như đã trình bày còn nghĩa vụ trả tiền là nghĩa vụ dân sự thông thường áp dụng cho mọi giao dịch dân sự.
Như vậy, nếu chồng bạn chậm thực hiện cấp dưỡng thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ngoài ra, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cũng là hành vi vi phạm pháp luật và tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trân trọng!