Một số nội dung liên quan đến việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 có quy định về một số thông tin liên quan đến vấn đề này như sau:
1. Điều kiện của người bảo lãnh
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có khả năng về kinh tế đáp ứng điều kiện trong Hợp đồng bảo lãnh.
2. Phạm vi bảo lãnh
- Việc bảo lãnh được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đi làm việc theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp dịch vụ không ký quỹ hoặc không đủ tiền ký quỹ;
+ Người lao động đi làm việc theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức sự nghiệp khi tổ chức này yêu cầu thực hiện việc bảo lãnh.
- Người bảo lãnh thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp về trách nhiệm bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ của người lao động đối với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp.
- Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và gây thiệt hại cho doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp mà người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thì người bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để bù đắp thiệt hại phát sinh do người lao động gây ra cho doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp. Sau khi bù đắp thiệt hại, nếu tài sản của người bảo lãnh còn thừa thì phải trả lại cho người bảo lãnh.
3. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do người bảo lãnh và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp thoả thuận; nếu không thỏa thuận được thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong một thời hạn hợp lý do doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp ấn định tính từ thời điểm người bảo lãnh nhận được thông báo của doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho người lao động.
4. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
- Doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp có thể thỏa thuận với người bảo lãnh về việc áp dụng biện pháp cầm cố, thế chấp hoặc ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
- Việc cầm cố, thế chấp hoặc ký quỹ được lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong Hợp đồng bảo lãnh.
- Việc xác lập, thực hiện biện pháp cầm cố, thế chấp hoặc ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Hợp đồng bảo lãnh
- Hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản.
- Hợp đồng bảo lãnh phải có những nội dung chính sau đây:
+ Phạm vi bảo lãnh;
+ Quyền và nghĩa vụ các bên tham gia Hợp đồng bảo lãnh;
+ Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Xử lý tài sản của người bảo lãnh.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp quy định chi tiết nội dung của Hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý Hợp đồng bảo lãnh.
Trên đây là nội dung cung cấp một số thông tin liên quan đến việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật