Bản sao giấy khai sinh có thời hạn không?
Bản sao là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
Theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng như các quy định trước đó về công chứng, chứng thực đều không quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được công chứng, chứng thực.
Xét dưới góc độ thực tiễn, bản sao được công chứng, chứng thực có thể chia thành hai loại:
- Bản sao “vô hạn”: Bản sao được chứng thực từ (giấy khai sinh, bảng điểm, bằng cử nhân, giấy phép lái xe mô tô…) có giá trị vô hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ.
- Bản sao “hữu hạn”: Bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như Giấy chứng minh nhân dân (15 năm), Phiếu lý lịch tư pháp (6 tháng), Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (6 tháng)… thì bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.
Như vậy, theo quy định trên không quy định về thời hạn có giá trị của bản sao có chứng thực. Tuy nhiên, giấy khai sinh là loại giấy tờ làm căn cứ để xác định chính xác các thông tin về cá nhân người sử dụng, đối với Giấy khai sinh thì cá nhân có quyền thay đổi họ tên của mình theo Bộ luật Dân sự 2015, như vậy khi thay đổi họ tên thì giấy khai sinh cũng thay đổi.
Vì vậy, để bảo đảm tính chính xác trong quá trình tra cứu, xác minh thông tin đối với các loại giấy tờ được chứng thực từ lâu, khi sử dụng cơ quan có thẩm quyền có thể đề nghị người sử dụng xuất trình bản chính để đối chiếu.
Trân trọng!