Trình tự, thủ tục mở cửa hàng mua bán xe máy cũ theo quy định hiện hành

Gia đình tôi hiện có ý tưởng kinh doanh, mở cửa hàng mua bán xe máy cũ, qua tìm hiểu thì chúng tôi dự định mở theo hình thức là hộ kinh doanh, tức là đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, rồi 05 anh em chúng tôi cùng nhau làm, chúng tôi đều đã có gia đình. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa rõ về trình tự, thủ tục mở cửa hàng mua bán xe máy cũ theo quy định hiện hành như thế nào? Nên rất mong các anh/chị Ban tư vấn hỗ trợ giúp. Hồng Linh (linh****@gmail.com)

Theo như anh/chị trình bày, mình đã lên ý tưởng cho việc kinh doanh mua bán xe máy cũ, và cũng có sự chuẩn bị cơ bản khi có tìm hiểu về hộ kinh doanh, theo đó, chúng tôi hỗ trợ đến các bạn kĩ hơn về cách hiểu hộ kinh doanh cá thể là như thế nào?

Tại Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có quy định:

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Theo đó, trình tự, thủ tục mở cửa hàng mua bán xe máy cũ được quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Số vốn kinh doanh;

d) Số lao động;

đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

=> Như vậy, bạn cần liên hệ Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh. Sau khi được cấp ĐKKD, bạn cần liên hệ với cơ quan Thuế để được hướng dẫn kê khai thuế cho Hộ kinh doanh của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào