Có phải đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng hay không?
Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2006 (sửa đổi 2010) thì các tổ chức phát hành thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng phải đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong đó, chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;
- Hợp đồng góp vốn đầu tư;
- Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán 2006 thì các trường hợp sau đây không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng:
- Chào bán trái phiếu của Chính phủ Việt Nam;
- Chào bán trái phiếu của tổ chức tài chính quốc tế được Chính phủ Việt Nam chấp thuận;
- Chào bán cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần;
- Việc bán chứng khoán theo bản án, quyết định của Toà án hoặc việc bán chứng khoán của người quản lý hoặc người được nhận tài sản trong các trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.
Như vậy, căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp chào bán cổ phiểu ra công chúng của doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thì không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Do đó: Đối với trường hợp công ty bạn là doanh nghiệp nhà nước, sắp tới sẽ tiến hành cổ phần hóa và chào bán cổ phiếu của công ty ra công chúng thì không phải đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật