Hoạt động chăn nuôi là gì?
Ngày 19/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (gọi tắt là Luật Chăn nuôi 2018).
Luật Chăn nuôi 2018 quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) thì hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người..
Luật Chăn nuôi 2018 đồng thuồi quy định hoạt động chăn nuôi phải tuận thủ các nguyên tắc sau đây:
- Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của thế giới; kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái.
- Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi; bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trong chăn nuôi.
- Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật