Đảng viên vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 17 Quy định 181-QĐ/TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Làm trái một trong những quy định về thu lãi, trả lãi, thu lệ phí, hoa hồng, tiền phạt; không tiến hành kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay theo quy định.
b) Vô ý làm lộ bí mật các thông tin, báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật trong ngành tài chính, ngân hàng.
c) Thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh, tái bảo lãnh, bảo lãnh mở thư tín dụng trả chậm không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định; không trích lập, hoặc trích lập không đủ mức ký quỹ bảo lãnh theo đúng quy định.
d) Không lưu giữ đủ hồ sơ tín dụng, cho gia hạn nợ quá thời gian hoặc quá số lần theo quy định; không thực hiện đủ hoặc không đúng các điều kiện cho vay.
đ) Hủy hoại đồng tiền trái pháp luật hoặc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
2. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Huy động vốn, cho vay vốn không đúng quy định; làm sai trình tự, thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây thiệt hại về tài chính, tài sản của Nhà nước khi cổ phần.
b) Cho vay ưu đãi sai đối tượng; vi phạm quy định mức vốn cho vay ưu đãi; phát hiện bên vay vốn sử dụng vốn vay sai mục đích nhưng không chấm dứt việc cho vay hoặc không thực hiện các biện pháp thích hợp để thu hồi số tiền đã cho vay.
c) Hùn vốn, liên doanh, mua cổ phần; chuyển nhượng cổ phần, trích lập các quỹ trái quy định; sử dụng các quỹ vào việc trả lãi cổ phần hoặc chuyển ra nước ngoài không đúng quy định.
d) Để ngoài sổ sách kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu giữ theo quy định.
đ) Thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ quy định về nghĩa vụ của các bên thế chấp và bên nhận thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn theo quy định.
e) Vi phạm quy định về tỉ giá mua, bán ngoại tệ và chi trả kiều hối. Mua, bán và thu ngoại tệ mà không có giấy phép; cho vay, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định.
g) Vi phạm các quy định về sản xuất, vận chuyển, mua, bán, kinh doanh vàng.
h) Thực hiện không đúng mức tiền cho vay trên giá trị tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh; nhận thế chấp, cầm cố tài sản để cho vay không đúng quy định; trốn tránh trách nhiệm trả nợ đối với bên cho vay.
3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán hoặc cố ý thỏa thuận, ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
b) Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả, vàng giả; tham gia hoạt động rửa tiền.
c) Thực hiện không đúng phạm vi, đối tượng thế chấp, cầm cố và bảo lãnh vay vốn; thực hiện không đúng, hoặc không đầy đủ các quy định về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng.
d) Vi phạm quy định về cấp tín dụng cho cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; cho vay trên thị trường liên ngân hàng, mua cổ phiếu để thôn tính ngân hàng khác.
đ) Vì lợi ích cục bộ mà có hành vi thôn tính các ngân hàng thương mại hoặc cấu kết lập ra các doanh nghiệp để cho vay từ chính các ngân hàng do mình nắm giữ hoặc có cổ phần chi phối.
Trên đây là nội dung quy định về việc xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quy định 181-QĐ/TW năm 2013.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật